Tôi sinh ra tại Kiên Giang, nhưng khi nói về những địa danh của Kiên Giang như Hòn Đất, Hòn Tre, Hòn Trẹm, Rừng U Minh thượng tôi lại mù tịt.
Tháng 06 trời mưa trời mưa không dứt . . . lời bài hát rỉ rã bên tai như đồng cảm với khí hậu nơi vùng ven biển. Tối thứ bảy vừa thu xếp xong mọi việc hai vợ chồng cùng bé ting nhanh chóng bắt xe Mai Linh đi Kiên Giang với dự định cho chuyến đi lần này là khám phá đảo Hòn Tre - Kiên Hải. Dạo thật nhanh các trang web, thu thập một ít thông tin về điểm đến cho chuyến đi bụi như chi phí vận chuyển, khách sạn và hướng dẫn viên du lịch chúng tôi lên đường trong vội vã.
05h00 sáng hôm sau chúng tôi có mặt tại bến tàu Rạch Giá, ông nội chờ sẳn để đón bé ting về nhà vườn để nghỉ hè, còn vợ chồng chúng tôi tiếp tục chờ lấy vé tại phòng vé của bến tàu đi Hòn Tre. Tranh thủ thưởng thực không khí trong lành của buổi bình minh biển, làm nhanh hai đĩa cơm, nhâm nhi càfê chờ phóng vé mở cửa. 07h20 chúng tôi mua được vé tàu cánh ngầm đi Hòn Tre.
Một góc vịnh nhỏ - Hòn tre chụp từ trên cao
Đúng 08h00 tàu khởi hành, đây là loại tàu cánh ngầm nhỏ, thuộc công ty Ngọc Thành, hành trình được thông báo khoảng 45-60 phút sau sẽ đến đảo. Vào chỗ ngồi bà xã tôi không kìm được bệnh ăn hàng, khi thấy các hàng bánh cuốn, bánh mì chả đón mời, thôi thì tôi cũng ăn ké vậy . . . cho đỡ thèm.
Gần 09h00 tàu đến đảo nhưng không cập vào cảng, vì là tàu lớn nên không vào được, tuy nhiên chúng tôi vẫn vào được nhờ ghe trung chuyển đưa vào đảo. Tới nơi, tôi bắt liên lạc với nhanh với anh Lành, là một nhân viên làm ở Bảo hiểm xã hội huyện, tranh thủ kiếm thêm bằng nghề hướng dẫn viên lúc rỗi. Lên xe, anh cùng một đứa cháu đưa chúng tôi về nhà nghỉ bưu điện huyện đã được đặt sẳn trước đó.
Nhà nghỉ bưu điện huyện nằm lọt thỏm trong khu vực hành chính huyện, trung tâm hành chính huyện là nơi hội tụ các cơ quan ban ngành ngang và trực thuộc huyện như Phòng giáo dục, công an, viện kiểm sát, tòa án v.v. phải qua một cổng bảo vệ mới vào được nhà nghỉ, điểm này tạo sư an tâm cho vợ chồng chúng tôi khi ở một nơi mới mẻ như thế này.
Hòn Tre là một xã đảo nhỏ thuộc huyện Kiên Hải, ngoài ra còn các hòn Lại Sơn, Nam Du, An Sơn v.v. cũng thuộc Kiên Hải - Kiên Giang. Hòn Tre là trung tâm hành chính huyện Kiên Hải cách Rạch Giá 30km, là một đảo nhỏ, dân ở đây chủ yếu sinh sống bằng nghề biển và làm rẫy, chủ yếu là trồng xoài, mít, tiêu và mãng cầu. Nhấp vội ly càfê nghe anh Lành điểm khái quát sơ qua Hòn Tre để có thêm chút hiểu biết về nơi này.
Từ giã anh Lành, chúng tôi khệ nệ mang hành lý bao gồm túi quần áo, laptop, cần câu cá và lò than dã chiến, với thật nhiều ý định khám phá đảo v.v. trong thời gian sắp tới.
Đúng 11h00 sáng, Lành đến và đưa chúng tôi đi tham quan quanh đảo, trên đường đi giới thiệu nhanh qua các điểm như vựa hải sản, chợ, đền thờ ông, bãi chén, đuôi hà bá, tinh xá ven sườn núi v.v. và khám phá những chỗ mát mẻ để buông câu, cắm trại lý tưởng. Đi hết một vòng quanh đảo nhìn đồng hồ chưa đến 12h00. Như vậy Hòn Tre được bao quanh bằng một con đường bê tông khoảng 12km, xe cộ rất ít, dân cư trú ngụ chủ yếu trên các triền dốc, xe cộ lưu thông thoải mái, không sợ mất, rất an ninh.
Kết thúc một vòng quanh đảo tôi đề nghị thuê hẳn một chiếc xe để đi chơi trong khoảng thời gian còn lại, dùng cơm trưa xong và lên phòng nghỉ ngơi. 02h00 chiều chúng tôi vác cần cùng nhau xuống bãi chén, đây là một bãi tắm nhỏ, được cây cối che phủ rất mát.
hì, cuối cùng cũng được giăng câu - bãi chén
Đường xuống bãi chén là những bậc thang cao
Nhanh chóng chọn địa thế thuận tiện cho việc triển khai bếp nướng, giăng câu và tắm biển. Thực đơn lai rai là một ít tôm tích còn tươi luộc chín, một ít ốc dòm nướng trong lúc buông câu hóng gió biển.
Hình vài chú tôm tích
Bịch tôm tích tậu được của ngư dân vừa đánh bắt tươi rói
Giờ ngồi post bài mà vẫn còn thèm . . . chẹp, chẹp
Phục vụ vợ . . .
Tắm biển, câu kéo, thưởng thức một ít đồ biển chợt nhớ da diết lại thời hai vợ chồng mới cưới đi bụi ở Hà Tiên, mới đó đã gần 10 năm, thời gian trôi nhanh thật, thật uổng phí khi bị cuốn theo dòng xoáy nơi thị thành, ta già thật, già thật rồi. Chợt nghe văng vẵng đâu đây lời bài hát . . .em ơi có bao nhiêu, 60 mươi năm cuộc đời . . . của Y Vân.
Hơn 04h00 chiều, khách du lịch đến bãi chén tắm cũng về dần, để lại quán lá xơ xác cùng vợ chồng tôi ngồi đó. Bừng tỉnh, thôi về thôi, cuối cùng cơn đói cũng kéo chúng tôi về thực tại . . . thu xếp hành lí chúng tôi quay về, quyết định dừng chân dùng cơm chiều tại một nhà hàng ven biển có tên Biển Nam tranh thủ ngắm hoàng hôn buông xuống. Biển Nam là một nhà hàng có cách bài trí đẹp, phía trên sát lề đường là một nhà tranh lớn, dành cho du khách ăn uống với số lượng đông, nếu khách có nhu cầu dùng bữa trong khung cảnh biển dân dã với số lượng 5-7 khách thì men theo các bậc thang xuống các chòi là. Các chòi lá rất vệ sinh, sạch sẽ có võng, quạt và mái che phòng khi trời mựa đặc biệt là có tầm nhìn ra biển thật đẹp. Khách có thể gọi món thông qua số điện thoại được dán sẳn ở góc chòi. Giá cả vừa phải tương đương quán xá ở TpHCM, chứ không kinh hãi như Vũng . . .
Bà xã đang khệ nệ leo xuống chòi lá
Đường xuống chòi là ở nhà hàng Biển Nam
Vợ tôi thật dễ thương trong vai trò đi chợ, bã kêu liền cái lẫu cá bóp thật hấp dẫn, hai vợ chồng hì hụp ngon lành như chưa từng ăn. No nê, mỗi người tìm một cái võng để nằm hóng gió. Cơn ghiền câu cá của tôi lại đến, lại tiếp tục buông cần trong hoàng hôn với tiếng sóng biển bên tai rì rào, rì rào.
Buông câu đỡ ghiền
Hình ảnh ít thấy khi câu cá cùng chồng
...ăn no nên mới vui thế ...
Hoàng hôn thật đẹp, hình như đây là lân đầu tiên được ngắm hoàng hôn bên cạnh vợ, bỏ lại sau lưng mọi lo toan (khộng bỏ cũng không làm được gì, vì đang ở đảo, hì).
Miệng thì thào lời bài hát . . . biển một bên và em một bên, mai mốt . . . lòng dâng trào nhiều cảm xúc . . .phải chăng . . .
Mặt trời lặn, chúng tôi thu dọn hành lý di chuyển về nhà nghỉ, kết thúc một ngày tham quan, mình mẩy rã rời. Có lẽ tối nay ngủ rất ngon đây.
Ngày thứ hai
Hôm nay là 25/4 âm lịch trùng vào dịp lễ nghinh ông tại đây. Ông cá voi ở đây được ngư dân rước, xây đền thờ khoảng vào năm 2007, có chiều dài khoảng 9m, với những câu chuyện thật kì bí về ngày Ông tấp vào đảo, được một người dân kể lại bằng giọng điệu trầm, nhỏ cùng thái độ tôn trọng về sự linh thiêng của Ông. Chuyện kể rằng, ngày ấy Ông vào đảo nhưng chưa chết hẳn, mình có một vết thương sắp lành, ngư dân thấy vậy dùng thuyền kè, kéo đưa Ông ra biển nhưng Ông vùng vẩy lao lại vào đảo như ngụ ý chọn nơi đây là nơi yên nghỉ, lúc này mình Ông bị đá biển làm xây xát nặng, được một lúc thì ông trút hơi thở cuối cùng, giọng người kể trầm hẳn xuống . . . chính quyền địa phương điện báo vào đất liền, họ cử tàu lớn ra đây để kè xác Ông vào đất liền, tuy nhiên vừa chạy được một lúc tàu chao đảo muốn chìm, người tài công xay xẩm mặt mày, hoảng sợ mọi người mới đưa Ông vào lại đảo, cúng vái và xin lập đền thờ Ông tại đây. Hằng năm ngày giỗ Ông tức là lễ nghinh Ông được tổ chức vào 26/4 âm lịch, tuy nhiên lễ hội bắt đầu sớm từ 24/4 kéo dài đến ngày chính thức, không chỉ ngư dân ở đây tham gia cúng viếng mà mọi người dân ở nơi khác cũng kéo đến thắp hương, dâng lễ cúng Ông, họ cầu xin ghe tàu đầy cá, con cái khỏe mạnh và mua may bán đắt . . .Thật là li kì và may mắn khi đi du lịch trùng ngay lễ nghinh Ông.
Kết thúc câu chuyện, đúng lúc vợ chồng tôi làm xong tô bún cá ngon lành cho bữa điểm tâm sáng, ai về Kiên Giang đều không thể bỏ qua món ăn dân dã này, nhưng ở Hòn Tre món ăn này có phần đặc sắc hơn hẳn, ngoài cá còn có chả tôm hay cua biển gì đó (rất ngọt và béo) thay vì tép lột vỏ và rim như ở đất liền, ăn kèm với rau sống, chuối cây xắt nhuyễn . . ., ngon quá tôi làm thêm một chén chả tôm cho đã thèm.
Ăn sáng, uống càfê ngắm chợ cảng trong buổi sớm thật khoan khoái. Hôm nay với tâm trạng thư thái chúng tôi rảo xe đến viếng một tịnh xá trên đảo, là 01 ngôi chùa nhỏ nằm ven sườn núi, để xe trên đường nhựa, đi bộ leo núi gần 20 phút mới tới được ngôi chùa, đường lên chùa đổ bê tông nhưng khá dốc, chúng tôi vừa đi vừa nghỉ mệt ven đường, dọc theo hai bên đường là những hàng xoài cổ thụ có trên 40 năm tuổi, gốc to hai người ôm, vào thời điểm cuối mùa xoài nhưng xoài chín cây rụng đầy hai bên đường, leo núi mệt nhoài quên hẳn lượm xoài rơi hay chụp hình. Đến nơi, sau khi chúng tôi quỳ lạy bồ tát, đức Phật tổ thì kiếm một chổ mát mẻ ngồi thở oxy, phù mệt quá. Gần 10h chúng tôi xuống núi về, ngược hẳn với lúc leo lên vừa mệt vừa mất thời gian, leo xuống chúng tôi chỉ mất khoảng 10 phút và không cần nghỉ mệt.
Trên đường về đến nhà nghỉ, tranh thủ làm 02 hộp bánh tằm mặn, món ăn miền tây mà. Vào phòng xử xong bánh tằm, chúng tôi lăn ra ngủ ngày thật ngon lành vì quá tốn calo cho buổi leo núi. Gần 03h00 chiều thức dây tiếp tục rong ruổi dạo chơi quanh đảo ghi lại vài tấm ảnh kỉ niệm.
...chụp hình chổ này thật mạo hiểm
...đường ở đây rất nhỏ
..chụp được, chụp hoài
người tí hon
ngồi thở
...cảnh núi
... hoàng hôn ...
Chiều đến chúng tôi ghé nhà hàng Bãi Bàng. Có tên là như vậy là do ở bãi biển này có rất nhiều cây bàng rất lớn, có cây to đến 5-7 người ôm, khác với Biển Nam, Bãi Bàng rất mát vì nằm dưới tán những cây bàng già nhìn ra biển. Với thực đơn nhỏ gọn 01 con gà rẫy 1/2 nướng và 1/2 nấu cháo trộng gỏi và một dĩa mực xào chua ngọt, mời thêm hai chú cháu anh Lành chúng tôi làm bữa tiệc giao lưu.
gà rẫy nướng chao
...trong lúc chờ đợi, chấp trước 01 chai
...chai bia đầu lúc nào cũng ngon cả.
Có câu Tửu phùng tri kỉ thiên bôi thiểu, uống được 04 chai đã chớm say rồi, chắc do còn thiếu bạn nhậu. Từ giã chú cháu anh Lành chúng tôi về nhà nghỉ. Ăn uống no nê, bia rượu mềm môi làm giấc ngủ đến sớm, chúng tôi có được một đêm ngon giấc.
Ngày thứ ba
Hôm nay đúng vào ngày 26/4 âm lịch là ngày chính của lễ hội, là ngày mội người tổ chức kiệu rước ông và diễu hành bằng tàu quanh biển. Ăn sáng xong, vào dinh Ông thắp nén hương, viếng di hài và chuẩn bị xem lễ. Ghi lại chút hình ảnh của đoàn ghe, tàu tháp tùng lễ nghinh Ông.
Xem xong lễ nghinh Ông thu xếp hành lý chúng tôi mua vé tàu rời Hòn Tre lúc 11h00 với cảm giác bồi hồi, luyến tiếc.
Nam Yến Nhân